BÁO CÁO LOGISTICS VIỆT NAM 2023 TẬP TRUNG CHỦ ĐỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LOGISTICS
14/03/2024

Xuất phát từ những lợi ích mang lại từ chuyển đổi số trong logistics, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định logistics là một trong tám lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. 

Mặc dù lợi ích mang lại từ chuyển đổi số là rất rõ ràng, quá trình chuyển đổi số trong logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, cả ở các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp. Để đánh giá, cung cấp thông tin tổng quan về thực trạng chuyển đổi số, những khó khăn, vướng mắc cũng như các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong logistics ở nước ta hiện nay, Báo cáo Logistics Việt Nam 2023 tập trung vào chủ đề “Chuyển đổi số trong logistics”.

TỔNG QUAN VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC LOGISTICS

Ở cả góc độ vi mô và vĩ mô, thì việc chuyển đổi số trong ngành logistics là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược với những lợi ích mà nó đem lại. trong báo cáo logistics 2023 có xác định thước đo về mức độ trưởng thành và lộ trình trong chuyển đổi số như sau:

Thước đo mức độ trưởng thành trong chuyển đổi số

Mức độ trưởng thành số được hiểu như là một thước đo để đánh giá tính sẵn sàng và khả năng có thể thay đổi và áp dụng các công nghệ tiên tiến của một tổ chức. Việc xác định mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp là rất quan trọng để doanh nghiệp có thể đưa ra các chính sách, chiến lược phù hợp nhằm đạt được mục tiêu khi thực hiện chuyển đổi số. Có nhiều tiêu chí khác nhau để đánh giá mức độ trưởng thành số của một doanh nghiệp. Căn cứ vào Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.

Mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp được chia thành 05 cấp độ, cụ thể như sau:

Mức 1 – Khởi động: Doanh nghiệp đã có một số hoạt động ở mức độ khởi động việc chuyển đổi số của doanh nghiệp. 

Mức 2 – Bắt đầu: Doanh nghiệp đã nhận thức được sự quan trọng của chuyển đổi số theo các trụ cột và bắt đầu có các hoạt động chuyển đổi số trong từng trụ cột. Chuyển đổi số bắt đầu đem lại lợi ích trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của khách hàng. 

Mức 3 – Hình thành: Việc chuyển đổi số của doanh nghiệp đã cơ bản được hình thành theo các trụ cột ở các bộ phận, đem lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho các hoạt động của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của khách hàng. Doanh nghiệp đạt chuyển đổi số mức 3 là bắt đầu hình thành doanh nghiệp số. 

Mức 4 – Nâng cao: Chuyển đổi số của doanh nghiệp được nâng cao một bước. Nền tảng số, công nghệ số, dữ liệu số giúp tối ưu nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng. Doanh nghiệp đạt chuyển đổi số mức 4 cơ bản trở thành doanh nghiệp số với một số mô thức kinh doanh chính dựa trên nền tảng số và dữ liệu số. 

Mức 5 – Dẫn dắt: Chuyển đổi số doanh nghiệp đạt mức độ tiệm cận hoàn thiện, doanh nghiệp thực sự trở thành doanh nghiệp số với hầu hết phương thức kinh doanh, mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên và được dẫn dắt bởi nền tảng số và dữ liệu số. Doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt chuyển đổi số, tạo lập hệ sinh thái doanh nghiệp số vệ tinh. 

Lộ trình chuyển đổi số

Quá trình chuyển đổi số thường là một quá trình kéo dài, có thể qua vài năm và các tổ chức thực hiện chuyển đổi số sẽ phải qua một lộ trình gồm nhiều bước khác nhau. Trường Đại học RWTH Aachen của Đức đã phát triển một lộ trình để một tổ chức tiến đến chuyển đổi số toàn diện bao gồm sáu giai đoạn phát triển. Mỗi giai đoạn dựa trên giai đoạn trước và mô tả các khả năng cần thiết để đạt được nó và những lợi ích mang lại cho tổ chức. Đây là phương pháp tiếp cận về lộ trình chuyển đổi số theo giá trị mang lại của từng bước và vì vậy, dễ dàng cho các doanh nghiệp chia nhỏ mục tiêu mình cần đạt được cho toàn bộ lộ trình.

Cấp độ 1 – Tin học hóa: Giai đoạn đầu tiên trong lộ trình phát triển là tin học hóa, vì đây là nền tảng cho số hóa. Ở giai đoạn này, các CNTT khác nhau được sử dụng riêng biệt trong doanh nghiệp. Tin học hóa đã được phát triển ở hầu hết các doanh nghiệp và chủ yếu được sử dụng để thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại hiệu quả hơn. Tin học hóa mang lại những lợi ích quan trọng, chẳng hạn như cho phép sản xuất giá rẻ hơn với tiêu chuẩn và độ chính xác cao hơn, nếu không có nó, nhiều sản phẩm hiện đại sẽ không thể được sản xuất. 

Cấp độ 2 – Kết nối: Trong giai đoạn kết nối, việc triển khai CNTT riêng lẻ được thay thế bằng các thành phần được kết nối với nhau. Các chương trình phần mềm kinh doanh được sử dụng rộng rãi đều được kết nối với nhau và phản ánh các quy trình kinh doanh của doanh nghiệp. 

Cấp độ 3 – Trực quan hóa: Trong giai đoạn này, mục tiêu cần hướng tới là ghi nhận toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ đầu đến cuối với số lượng lớn các điểm dữ liệu, từ đó giúp hiển thị các sự kiện và trạng thái của hoạt động theo thời gian thực. 

Cấp độ 4 – Minh bạch hóa: Tại giai đoạn này, sau khi đã có đầy đủ dữ liệu ở giai đoạn 3, doanh nghiệp cần hiểu lý do tại sao điều gì đó đang xảy ra và sử dụng sự hiểu biết này để tạo ra kiến thức bằng cách phân tích nguyên nhân gốc rễ. Việc liên kết và tổng hợp dữ liệu để tạo thông tin và ngữ cảnh tương ứng sẽ giúp cung cấp kiến thức về quy trình cần thiết để hỗ trợ ra quyết định phức tạp và nhanh chóng. Các công nghệ mới hỗ trợ phân tích lượng lớn dữ liệu có thể cực kỳ hữu ích trong trường hợp này. “Big data” là một từ thuật ngữ thường được nhắc đến trong bối cảnh này. Nó được sử dụng để mô tả dữ liệu lớn mà không thể được xử lý và phân tích bằng các quy trình phân tích kinh doanh thông thường.

Cấp độ 5 – Khả năng dự báo: Trên cơ sở giai đoạn minh bạch, giai đoạn phát triển tiếp theo là khả năng dự báo. Khi đạt được giai đoạn này, doanh nghiệp có thể mô phỏng các kịch bản tương lai khác nhau và xác định các kịch bản có khả năng xảy ra nhất. Khả năng dự báo của một doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng mà họ đã thực hiện trước đó. 

Cấp độ 6 – Khả năng thích ứng: Khả năng thích ứng liên tục cho phép một doanh nghiệp ủy quyền một số quyết định cho các hệ thống CNTT để có thể thích ứng với môi trường kinh doanh thay đổi càng nhanh càng tốt. Ở giai đoạn này, khả năng thích ứng đạt được khi một doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu để đưa ra các quyết định có kết quả tốt nhất trong thời gian ngắn nhất và tự động thực hiện các biện pháp tương ứng, tức là không cần sự trợ giúp của con người.

ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH QUY TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ CHO DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ LOGISTICS

Bước 1 – Tầm nhìn chuyển đổi số: Lãnh đạo của doanh nghiệp dịch vụ logistics cần phải có tầm nhìn chuyển đổi số. Đây là một yếu tố quan trọng quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số. Tầm nhìn chuyển đổi số phải được phát triển dựa trên tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi chung của doanh nghiệp. Một tầm nhìn chuyển đổi số đúng đắn sẽ bao gồm các yếu tố: (1) Có tính chiến lược; (2) Có tính thực tế; (3) Có tính linh hoạt. Lãnh đạo của doanh nghiệp cần dành thời gian và nỗ lực để phát triển một tầm nhìn chuyển đổi số đúng đắn. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp tạo được thêm giá trị, tăng lợi thế cạnh tranh và thành công trong thời đại công nghiệp 4.0.

 Bước 2 – Mục tiêu chuyển đổi số: Mục tiêu chuyển đổi số nên là những mục tiêu cụ thể, có thể đo lường được, có thể đạt được, phù hợp và có thời hạn. Mục tiêu chuyển đổi số phải được liên kết với tầm nhìn chuyển đổi số của doanh nghiệp và được thiết kế để giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh của mình. Mục tiêu chuyển đổi số nên được xác định bởi lãnh đạo doanh nghiệp và được truyền đạt đến tất cả nhân viên. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng, tất cả nhân viên đều hiểu những gì cần đạt được và cam kết thực hiện những thay đổi cần thiết. 

Bước 3 – Chiến lược chuyển đổi số: Chiến lược chuyển đổi số là một kế hoạch tổng thể xác định cách thức một doanh nghiệp sẽ sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để đạt được các mục tiêu kinh doanh của mình. Chiến lược chuyển đổi số nên bao gồm các yếu tố sau: Tầm nhìn chuyển đổi số, Mục tiêu chuyển đổi số, Lộ trình chuyển đổi số và Giá trị chuyển đổi số. Việc phát triển một chiến lược chuyển đổi số là một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp dịch vụ logistics. Chiến lược chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp xác định các mục tiêu và lộ trình chuyển đổi số của mình, và sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo rằng, các công nghệ kỹ thuật số được sử dụng một cách hiệu quả để đạt được các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. 

Bước 4 – Công nghệ: Việc lựa chọn ứng dụng công nghệ số cần được xem xét một cách cẩn thận để đảm bảo rằng, công nghệ đó phù hợp với nhu cầu và mục tiêu của doanh nghiệp. Một số yếu tố cần xem xét khi lựa chọn công nghệ số: Tầm nhìn và mục tiêu chuyển đổi số của doanh nghiệp, Nhu cầu và thách thức cụ thể của doanh nghiệp, Khả năng của doanh nghiệp, Mức độ phổ biến và hỗ trợ của công nghệ, Chi phí của công nghệ và Sự phù hợp với các quy định.

Bước 5 – Quy trình/Vận hành: Giai đoạn vận hành là một giai đoạn quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần tập trung vào việc triển khai và sử dụng các công nghệ kỹ thuật số đã được lựa chọn. Một số việc mà doanh nghiệp cần làm ở giai đoạn vận hành: Tạo ra một kế hoạch triển khai chi tiết, Tạo ra các quy trình và hướng dẫn, Tiến hành đào tạo và hỗ trợ nhân viên, Tiến hành thử nghiệm trước khi triển khai, Theo dõi và đánh giá hiệu quả, Chuẩn bị cho những thay đổi.

Bước 6 – Con người/Văn hóa: Yếu tố con người và văn hóa của doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Con người là những người thực hiện các công việc và sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, và văn hóa của doanh nghiệp định hình cách thức mà con người làm việc và tương tác với nhau. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng, con người và văn hóa của doanh nghiệp sẵn sàng cho những thay đổi. Doanh nghiệp cần tập trung vào việc phát triển các kỹ năng số cho nhân viên, xây dựng một văn hóa đổi mới sáng tạo, và tạo ra một môi trường làm việc hỗ trợ sự thay đổi.

Bước 7 – Dữ liệu: Dữ liệu là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần tập trung vào việc thu thập, lưu trữ, phân tích và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả. Dữ liệu có thể được sử dụng để cải thiện hiệu quả hoạt động, đổi mới sản phẩm và dịch vụ, và tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Ở giai đoạn này, khả năng sử dụng dữ liệu một cách đạo đức và hiệu quả là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp để tối đa hóa giá trị kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải có khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích và sử dụng dữ liệu một cách đạo đức và tuân thủ theo quy định.

Lưu ý rằng, trong suốt quá trình triển khai chuyển đổi số, đặc biệt trong giai đoạn thực thi chiến lược, doanh nghiệp dịch vụ logistics cần phải kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh thường xuyên để đảm bảo rằng, việc triển khai vẫn phù hợp với tình hình thực tế và đạt được các mục tiêu chuyển đổi số đã đề ra. 

Chuyển đổi số trong logistics là một quá trình phức tạp, lâu dài và đầy thách thức. Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần theo kịp để có thể cạnh tranh và tồn tại trong thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Để thành công trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần có nhận thức rõ ràng về xu hướng này, đồng thời liên tục đổi mới, ứng dụng công nghệ và triển khai các giải pháp chuyển đổi số phù hợp. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh, tạo ra giá trị mới, cơ hội mới và nguồn doanh thu mới.

Cùng CETA xem trọn bộ báo cáo logistics 2023 miễn phí tại Đây

0869697502
Translate »