Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ mới, đặc biệt là AI, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp logistics cần nhanh chóng thay đổi phương thức hoạt động để không tuột mất cơ hội kinh doanh vào tay các doanh nghiệp đã triển khai trước.
Giữa năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, và logistics là một trong 8 ngành nhận được ưu tiên từ Chính phủ.
Tối ưu hóa quy trình sản xuất cho doanh nghiệp logistics nhờ ứng dụng công nghệ
TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết, trong lĩnh vực logistics, các hệ thống phân loại tự động hóa ứng dụng công nghệ 4.0 đang được ứng dụng ngày càng nhiều hơn trong các doanh nghiệp. Vì vậy, ngành logistics sẽ phát triển, vận hành trơn tru và thuận lợi vượt bậc nhờ vào Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp logistics có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, rút ngắn thời gian thực hiện đơn hàng nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, điện toán đám mây…
Sự bùng nổ của công nghệ mới, đặc biệt là AI, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp logistics cần nhanh chóng thay đổi phương thức hoạt động, nếu không họ có thể mất cơ hội kinh doanh vào tay các đơn vị đã triển khai chuyển đổi. Tuy nhiên, thay đổi không phải là việc đơn giản. Sau năm 2019 và giai đoạn đại dịch, doanh nghiệp logistics đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lực, thách thức về tài chính và tính phức tạp của việc ứng dụng rộng rãi công nghệ mới.
Để vượt qua những khó khăn này, các doanh nghiệp cần kết hợp những ý tưởng mới một cách chỉn chu với các năng lực vững chắc để duy trì hoạt động. Doanh nghiệp muốn vừa tìm thấy sự cân bằng, vừa tạo ra thay đổi trong bối cảnh hiện nay sẽ cần tới sự lãnh đạo thông minh và điều chỉnh linh hoạt.
Theo một nghiên cứu từ năm 2022 của Đại học RMIT Việt Nam, có hơn 80% người lao động trong ngành logistics được đào tạo theo hình thức “nghề dạy nghề” (tức không được đào tạo bài bản từ trước).
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng việc thiếu hụt lao động chất lượng cao và lành nghề là rào cản đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp logistics Việt Nam (khoảng 37,1% số doanh nghiệp được khảo sát). Ngoài ra, thiếu hụt tài chính cũng khiến họ không có điều kiện ứng dụng các hệ thống máy tính này – đây là vấn đề mà 50,5% doanh nghiệp trong nghiên cứu trên phải đối mặt.
Khoảng 95% các công ty logistics Việt Nam được coi là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thường bị hạn chế về vốn và vẫn đang trong gia đoạn đầu áp dụng công nghệ thông tin, khiến họ khó có thể cải thiện doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, các doanh nghiệp này thường sử dụng phần mềm khác nhau, khiến khó tương thích khi kết hợp. Điều này sẽ cản trở việc kết nối với các mắt xích quan trọng trong quy trình logistics như hải quan hay cảng.
Hợp tác giúp tạo kết nối thương mại tốt hơn
Giữa bối cảnh công nghệ và tự động hóa đang lan rộng nhanh chóng trong logistics toàn cầu, để doanh nghiệp Việt không bị tụt hậu và gặp bất lợi so với đối thủ, cách hay nhất là hợp tác với doanh nghiệp từ các quốc gia khác nhằm chia sẻ ý tưởng và kỹ năng. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt sẽ nhận được trợ giúp quan trọng về công nghệ và tài chính.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn có thể thử nghiệm sử dụng TMS, WMS. Công nghệ này cho phép chia sẻ thông tin giữa nhiều người mà không cần bộ phận kiểm soát trung tâm và thông tin tồn tại như một bản ghi vĩnh viễn mà mọi người đều có thể truy cập. các công nghệ này cũng nâng cao tính minh bạch và ngăn chặn sai sót trong thông tin.
Ngoài ra, một số loại hợp đồng thông minh có thể tự động thực hiện nhiều công việc trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như đặt hàng, thanh toán và kiểm tra mọi việc có tuân thủ quy tắc hay không.
Đồng thời, một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là lập ra kế hoạch bài bản để tăng sự hài lòng của khách hàng. Để khiến khách hàng ngày càng hài lòng, doanh nghiệp cần tập trung giúp các quy trình như vận tải, ứng dụng công nghệ và xử lý lưu bãi trở nên trơn tru hơn.