Thách thức kìm hãm sự phát triển của logistics Việt Nam
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Còn theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.
Số doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán…
Mặc dù lĩnh vực logistics của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực nhưng trên thực tế vẫn tồn tại những hạn chế và thách thức nhất định.
Cụ thể như thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ. Về khung khổ pháp lý với ngành logistics, đã có nhiều văn bản được ban hành, song các chính sách cụ thể, chi tiết hóa các chủ trương đó vẫn chưa được thực hiện hoặc còn chồng chéo.
Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics còn hạn chế, không đồng bộ, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Việt Nam cũng còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất.
Hoạt động của các doanh nghiệp logistics còn hạn chế trên các mặt quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp,…
Và cuối cùng là nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Những điều này đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc phát triển ngành logistics Việt Nam trong tương lai. Và vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao tận dụng được cơ hội để đưa logistics trở thành một ngành kinh tế quan trọng, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa đủ sức cạnh tranh quốc tế, đồng thời theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới là logistics xanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
4 giải pháp để ngành logistics Việt Nam phát triển
Dù ngành logistics Việt Nam được đánh giá có tiềm năng, tuy nhiên vẫn cần khắc phục những hạn chế chủ quan và những trở lực khách quan để ngành logistics có thể phát triển như kỳ vọng.
Một xu hướng rất rõ hiện nay trong ngành logistics là đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp trong ngành cần thấy rất rõ xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, những thành tựu khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong việc quản lý đơn hàng, quản lý vận tải, quản lý cảng biển.
Xu hướng khác là xanh hóa chuỗi cung ứng, có nghĩa là doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về giảm phát thải, thân thiện với môi trường, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thương mại trong giai đoạn tới và tất cả các thành phần tham gia chuỗi cung ứng logistics đều phải đáp ứng yêu cầu xanh hóa, từ vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh…
Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế, cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Tuy những năm gần đây, do tác động của đại dịch COVID-19 và biến động chính trị toàn cầu, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng xu thế đang dần tích cực hơn.
Hiện nay Chính phủ đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, đặc biệt là hoàn thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh và xuất khẩu, đồng thời tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế xanh, kinh tế số… nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất mà kế hoạch năm 2024 đề ra.
Để ngành logistics phát triển, cơ sở hạ tầng là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong hai năm qua, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường cao tốc quan trọng, kết nối vùng miền đã được xây dựng và hoàn thành. Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025, hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, và đến 2030, hoàn thành 5.000 km đường cao tốc. Cùng với đó là các tuyến đường ven biển, sân bay, các cảng biển,…
Đây là những điều kiện cần và đủ để Việt Nam có thể phát triển ngành logistics trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta còn nhiều việc phải làm.
Thứ nhất, phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics…
Thứ hai, Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Thu hút đầu tư các trung tâm logistics quy mô lớn, tập trung, theo vùng giúp lưu trữ, bảo quản hàng hóa trong thời gian dài từ đó phát luồng phân phối đi các nơi.
Thứ ba, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề.
Đặc biệt, để xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…
Thứ tư, về phía các doanh nghiệp logistics, cần xây dựng chiến lược kinh doanh, thực hiện liên kết chiến lược, liên doanh với các đối tác hoặc hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp mạnh, tăng khả năng cạnh tranh.