Khi dịch Covid bùng phát đợt 1 từ đầu năm 2020, hơn 70% doanh nghiệp vận tải đã chuyển sang làm việc tại nhà và sử dụng các công cụ chuyển đổi số trong ít nhất 1 vài tuần giãn cách xã hội. Trong số 70% này có cả những doanh nghiệp chưa từng nghĩ đến việc áp dụng công nghệ mới vào vận hành cho đến khi đại dịch xảy ra.
Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp chỉ triển khai ở mức sử dụng công cụ, chứ chưa nghĩ đến khai thác triệt để nền tảng số để để phục vụ cho vận hành xuyên suốt và thúc đẩy kinh doanh, nhất là các bên chưa có sự chuẩn bị về con người và tìm hiểu về công nghệ. Tại thời điểm bị bắt buộc giãn cách, họ phải tìm 1 công cụ để có thể tạm thời duy trì vận hành. Minh chứng rõ nhất là chỉ vài tuần sau, ngay khi được phép đến văn phòng trở lại, họ đã lập tức quay lại cách làm việc cũ.
Các doanh nghiệp vận tải đang áp dụng chuyển đổi số như thế nào?
Covid-19 đã buộc các DNVT sử dụng các công cụ vận hành online, dù trước đó họ chưa từng nghĩ đến việc áp dụng chuyển đổi số
Những doanh nghiệp vận tải mới chuyển đổi lên online thường chỉ dừng lại ở 3 nhóm công cụ đầu tiên. Cái họ hình dung về chuyển đổi số là một môi trường để kết nối và quản lý nhân viên, làm thế nào để nhìn thấy nhân viên đang làm việc, làm thế nào để mọi người trong công ty có thể truyền thông tin dễ dàng.
Bản chất của chuyển đổi số gồm 3 bước:
-
- Đầu tiên là đưa dữ liệu lên số hóa
- Bước thứ hai là vận hành, quản trị trên nền tảng chuyên biệt
- Bước thứ ba là sử dụng phương pháp số để phân tích dữ liệu nhằm ra quyết định kinh doanh
Hầu hết các bên chưa chuyển đổi số mới nghĩ đến bước 1 và 2, tức là đưa dữ liệu lên môi trường số và quản trị hệ thống dữ liệu để vừa bảo mật, vừa cho mọi người truy xuất dữ liệu từ nền tảng đó. Nhưng bước 3 mới là bước quan trọng nhất của quá trình Chuyển đổi số, nếu thiếu nó thì chuyển đổi số không có ý nghĩa. Mục tiêu cuối cùng của áp dung công nghệ là để giảm bớt gánh nặng cho người lãnh đạo. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải chỉ nghĩ được đến bước 1, và 2, hoàn toàn chưa có tư duy hiểu rõ bước thứ 3 và họ cũng không nghĩ đến bước 3 sẽ tạo ra giá trị gì.
Khi một xu hướng dần hình thành, thông thường sẽ có một người nhóm tiên phong ứng dụng cái mới. Nhóm tiên phong này chỉ chiếm 20 – 30%, nhưng sẽ là nhóm đi nhanh hơn, có sức bật mạnh hơn và tận dụng được lợi thế dẫn đầu. 70% còn lại sẽ đợi đến khi không thể làm khác được thì mới bắt đầu rục rịch chuyển đổi. Thực tế cho thấy, 70-80% doanh nghiệp này, thì chỉ sau 1 tuần bắt đầu quay lại làm việc, họ đã mất động lực chuyển đổi và quay về cách làm việc truyền thống. Chỉ có 20-30% doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội này để triển khai 1 cách toàn diện, hoặc chí ít là tiếp tục duy trì mô hình số hóa. Nhóm này không chỉ bao gồm doanh nghiệp quy mô lớn, mà còn có cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tại sao năm 2020 – 2021 lại là thời điểm vàng để bắt đầu chuyển đổi số?
Chính phủ Việt Nam tuyên bố năm 2020 là năm chuyển đổi số, tức là ở đây chúng ta được sự hậu thuẫn lớn từ Chính phủ, cả về chính sách lẫn truyền thông rộng rãi trên các kênh chính thống. Rất khó để thờ ơ khi báo chí, truyền thông và các hội thảo về tầm quan trọng, phương hướng và bài học chuyển đổi số diễn ra liên tục. Khi cả xã hội đi lên, những công ty bảo thủ sẽ là kẻ nằm ngoài cuộc chơi trong tương lai.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng là yếu tố tác động mạnh đến tốc độ lan rộng của chuyển đổi số. Trước đây, khái niệm này cũng từng được nhiều lần nhắc đến nhưng chưa nhận được sự quan tâm. Tuy nhiên, chỉ vài tuần kể từ khi các lệnh phong tỏa, giãn cách được áp dụng, lượt tìm kiếm về Chuyển đổi số trên Google Trend đã tăng lên một cách ấn tượng.
Kể từ năm 2019, nhận thức của doanh nghiệp vận tải về chuyển đổi số cũng đã nâng cao đáng kể. Theo khảo sát của Onelog trong 350 doanh nghiệp vận tải hàng hóa nội địa, có 192 chủ doanh nghiệp quan tâm và muốn nhận tin tức thêm về chuyển đổi số (chiếm ~55%); 84 doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp số có thể giúp họ giải quyết các vấn đề trong vận hành (chiếm ~24%); 17 doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược, tư duy rất cởi mở và thực sự sẵn sàng để chuyển đổi (chiếm ~6%). Đây là con số đáng mừng, bởi chỉ cách đây vài năm thôi, khi nhắc đến cụm từ “chuyển đổi số”, gần như hầu hết các doanh nghiệp vận tải vẫn còn mơ hồ, chưa hiểu nó là gì và cũng không hề có ý định áp dụng trong tương lai gần.
Khảo sát trên 350 DNVT thuộc nhiều loại hình vận tải, quy mô khác nhau trên tại các tỉnh trọng điểm
Doanh nghiệp cần làm gì để sẵn sàng chuyển đổi số thành công?
Trước hết, chuyển đổi số là câu chuyện xuất phát từ tư duy của nhà lãnh đạo. Không phải lãnh đạo nào cũng cấp tiến hay chủ động thúc ép nhân sự tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đa số lãnh đạo chỉ quan tâm đến kết quả, còn nhân viên làm thế nào để ra đầu ra đó là việc của nhân viên.
Một trong những việc doanh nghiệp muốn chuyển đổi số cần phải làm là huấn luyện và truyền tải tư tưởng của lãnh đạo, giúp họ có khả năng thấu hiểu được lợi ích của quá trình chuyển đổi số – điều rất ít người đang làm được hiện nay. Lợi ích này không phải chỉ dừng lại ở việc nhanh hơn, hiệu quả hơn như thế nào, mà cần nhìn xa hơn, đầu tư như thế này thì có tiết kiệm được tiền không, có tăng trưởng doanh thu không.
Đối với nhân viên cấp dưới thì có thể khó khăn để thuyết phục vì thời gian đầu chuyển đổi số, họ sẽ phải áp dụng song song cả 2 quy trình để đảm bảo an toàn hệ thống, thêm việc chứ không bớt việc. Nhưng chỉ cần người lãnh đạo lớn nhất hiểu bản chất chuyển đổi số, người quản lý cấp trung có năng lực tham mưu cho cấp trên về những lợi ích có được, có sự đồng lòng của nhân viên, nhân viên quyết tâm sử dụng ra kết quả, thì chắc chắn sẽ chuyển đổi thành công.
Trong quá trình chuyển đổi số, chỉ đưa hết dữ liệu lên môi trường số thôi là chưa đủ, mà chúng ta cần một nền tảng giúp chủ doanh nghiệp đưa ra phân tích dựa trên các báo cáo hoạt động kinh doanh, để họ đưa ra quyết định quản trị và định hướng phát triển thật nhanh và chính xác.